Nghỉ hè là dịp vui chơi thư giãn của trẻ em sau một năm học tập nhưng cũng là mối lo của toàn xã hội bởi tai nạn, hiểm nguy luôn rình rập các em bất cứ lúc nào. Mặc dù mới nghỉ hè được vài ngày nhưng đây đó đã có những tai nạn đáng tiếc với trẻ nhỏ. Một đêm trực ngay ngày đầu tiên nghỉ hè ở Bệnh viện Mắt Trung ương tôi đã phải chứng kiến và xử lý cho 4 em nhỏ bị tai nạn mắt, mỗi cháu 1 hoàn cảnh và hình thái tổn thương khác nhau.
Những tai nạn cần cảnh báo
Chết đuối, chết do hỏa hoạn mà báo chí đã nêu gây bàng hoàng, thương cảm cho toàn bộ mọi người. Bên cạnh đó những tai nạn đều như cơm bữa mà các bệnh viện phải chứng kiến cũng đang gây đau đớn, sợ hãi, mất mát cho bản thân các em và sau đó là day dứt thương cảm của phụ huynh, của những nhân viên y tế như chúng tôi.
Cháu Minh A. ở Hà Nội chạy vội đi toilet để còn vào chơi game đã đâm sầm về cửa kính, mảnh vỡ kính xé toạc 1 bên mặt, làm vỡ nhãn cầu cùng bên. Mặc dù bác sĩ vất vả khâu vá phục hồi mặt và mắt cho cháu xong thẩm mỹ nhất định sẽ bị ảnh hưởng, chức năng 1 bên mắt gần như đã mất.
Khác với tai nạn do vội vã của cháu Minh A, cháu Lê Tuấn T, tại Nam Định lại ngồi đùa nghịch bằng dao với người anh của mình. Trong lúc vui đùa lưỡi dao vô tình đã bổ đôi con mắt của em. Một bên mắt dù được khâu cấp cứu nhưng đã bị mù.
Ở miền quê sơn cước Nghệ An, thú vui của trẻ không phải là đồ chơi mà thường là những thứ thường có sẵn trong đời sống tự nhiên. Trong một lần đùa nghịch với các bạn, cháu Lê Văn A, dùng que chơi với bạn, không may que chọc thẳng vào mắt gây xuất huyết tiền phòng, đứt chân mống mắt, lệch thể thủy tinh. Phẫu thuật cũng phải vài ba lần, khá tốn kém nhưng hiệu quả chỉ đủ giúp trẻ trông thấy ánh sáng.
Gần đây nhất có một cháu bé tại quận Long Biên - Hà Nội chơi đùa với bạn, bị móc mức giá phơi quần áo tại lớp bán trú móc ngược vào mi mắt gây vết thương dài tới tận trán. Chắc chắn sẽ gây sẹo to trên khuôn mặt.
Tai nạn mắt nói riêng hay tai nạn nói chung không bao giờ loại trừ được. Đơn giản vì đó là tai nạn, mang tính thiên định, không ai muốn nó xảy ra. Thế nhưng phòng ngừa hay hạn chế lại là điều hoàn toàn có thể làm được bằng cách:
- Đừng bao giờ để trẻ nhỏ xa rời sự giám sát của người lớn. Người lớn sơ ý, mải vui, bỏ trẻ 1 mình thì tai họa thường ập đến.
- Không cho trẻ chơi những trò nguy hiểm, chạy nhảy với những vật nhọn sắc.
- Vật dụng quanh trẻ phải khó gây sát thương, cách sắp đặt vào tầm hướng cũng phải an toàn. Đồ chơi nhựa, bát phíp, đồ sử dụng học tập không sắc nhọn hoặc phải có nắp bảo vệ... là những quy tắc an toàn trong học đường cũng như ở gia đình.
- Đeo kính có thể làm giảm 50% các tai nạn cho mắt.
Để các em có những ngày nghỉ hè vui và an toàn là ước nguyện của những người lớn. Muốn thế cần có ý thức đề bộ phận tai nạn cũng như những biện pháp bảo vệ hữu hiệu. Một vài ý kiến đóng góp trên đây mong được các bạn tham khảo và suy ngẫm.
BS.Hoàng Cương (BV Mắt TW)
No comments:
Post a Comment